Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
Em thân mến,
Khi ngồi xuống viết những dòng này, anh nhớ đến một lời dạy quan trọng của Chúa Giêsu: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10). Đây là thách đố cho những người muốn làm việc lớn như chúng ta. Trong khi đó những điều nhỏ bé, dường như vô hại, lại chính là nơi mà chúng ta dễ rơi vào những cám dỗ lớn lao. Anh muốn nói với em về một trong những cách mà Kẻ Cám Dỗ thường xuyên tấn công chúng ta: tham lam những điều nhỏ nhặt. Ông bà mình cũng có câu thành ngữ rất hay: “Tham bát bỏ mâm”, vốn dùng để phê phán cách nhìn thiển cận, cách làm ăn manh mún, thiếu tính toán.
Ở đây khoan nghĩ đến chuyện làm ăn. Chúng ta đang trong mùa chay tịnh. Khi nghĩ đến tham lam, có lẽ em sẽ hình dung một ai đó ăn uống không kiểm soát, ham muốn vật chất hoặc đắm chìm trong sự xa hoa. Em biết, anh biết và ai cũng biết điều này. Nhưng Kẻ Cám Dỗ có một cách tinh vi hơn rất nhiều. Nó biến sự tham lam thành một dạng thái độ tinh tế hơn, đó là sự ám ảnh với những điều nhỏ nhặt, không đáng kể. Nghĩa là gì?
Chẳng hạn, thay vì khiến em ăn quá nhiều, nó sẽ làm em trở nên kén chọn, đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối trong mọi thứ. Chúng ta không hoàn hảo, chúng ta là những tội nhân được Chúa thương. Trong khi đó, em đòi hoàn hảo, nghĩa là bữa ăn phải đúng món em thích, trà phải pha đúng nhiệt độ, và mọi thứ phải được sắp xếp theo cách em muốn. Những yêu cầu này thoạt nhìn không có vẻ gì là sai trái. Nhưng khi chúng trở thành trung tâm của sự chú ý, em sẽ thấy mình bị cuốn vào vòng xoáy của sự ích kỷ và đòi hỏi.
Ngoài ra, Kẻ Cám Dỗ rất khéo léo trong việc khiến chúng ta nghĩ rằng những sở thích cá nhân của mình là điều hiển nhiên, hợp lý và cần được tôn trọng. Quyền tự do ngay trong sở thích cũng được nhiều người cổ vũ. Nếu ai đó không đáp ứng đúng mong muốn của em – dù chỉ là một chi tiết nhỏ – nó sẽ làm em cảm thấy bực bội, khó chịu, thậm chí là tức giận. Chẳng hạn, nếu một bữa cơm gia đình không được nấu đúng như em muốn, em sẽ dễ dàng quên đi tình yêu và sự vất vả của người đã chuẩn bị bữa ăn ấy. Tiếc là nhiều bạn trẻ hay vướng vào điều này.
Điều đáng sợ là Kẻ Cám Dỗ không cần làm em trở nên phàm ăn tục uống. Nó chỉ cần làm em ám ảnh với những điều nhỏ bé đến mức em đặt sở thích cá nhân lên trên tình yêu và sự quan tâm đến người khác.
Làm sao để tránh cạm bẫy này?
Thứ nhất, em hãy biết ơn thay vì đòi hỏi. Một trái tim biết ơn là vũ khí mạnh mẽ chống lại Kẻ Cám Dỗ. Em hãy nhớ rằng mọi thứ em nhận được, dù nhỏ bé đến đâu, đều là món quà từ Chúa. Khi em biết ơn thay vì đòi hỏi, em sẽ nhận ra rằng sự hoàn hảo không phải là điều quan trọng nhất, mà chính là tình yêu và sự hy sinh của những người xung quanh.
Hãy tự hỏi: Điều này thực sự quan trọng đến mức nào? Tôi có thể bỏ qua để giữ hòa khí không?
Thứ hai, em thử tập trung vào người khác. Kẻ Cám Dỗ muốn em chỉ nhìn vào nhu cầu của mình, nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta nhìn vào nhu cầu của người khác. Nếu em cảm thấy bực bội vì ai đó không đáp ứng mong muốn của mình, hãy dừng lại và nghĩ: Người đó đã cố gắng thế nào? Mình có thể làm gì để giúp họ?
Cuối cùng, mong em hãy tập chấp nhận sự không hoàn hảo. Chúng ta không sống trong một thế giới hoàn hảo. Không bao giờ, trừ khi chúng ta lên Thiên đàng. Vậy lúc còn ở trên mặt đất này, em hãy kiên nhẫn và bao dung trong mọi hoàn cảnh. Hãy học cách chấp nhận rằng không phải mọi thứ đều diễn ra theo ý mình. Chúa Giêsu đã chọn sự khiêm nhường và đơn sơ; chúng ta cũng được mời gọi sống như vậy.
Khiêm nhường ngay trong những điều nhỏ bé. Em thân mến, sự tham lam trong những điều nhỏ nhặt không chỉ khiến em trở nên ích kỷ, mà còn làm hỏng các mối quan hệ của em với gia đình, bạn bè và chính Chúa. Nhưng em cũng đừng sợ hãi hay tự trách mình quá nhiều. Chúa luôn ở bên em, sẵn sàng giúp em vượt qua những cám dỗ này.
Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ: biết ơn bữa cơm mà em được ăn, cảm ơn người đã pha trà, tri ân người đã tặng quà, hoặc đơn giản là mỉm cười thay vì càu nhàu. Anh không thích người khó tính, khó chịu với mọi thứ. Anh thích người biết cư xử tế nhị. Anh tin rằng những hành động nhỏ của người tế nhị sẽ giúp người này trở nên giống Chúa Giêsu hơn và làm cho những người xung quanh cảm nhận được tình yêu của Chúa nữa.
Hãy luôn nhớ rằng Chúa yêu em không phải vì em hoàn hảo, mà vì em là chính em. Hãy đáp lại tình yêu đó bằng cách yêu thương những người xung quanh, ngay cả khi họ không hoàn hảo.
Em hỏi mình có thể chia sẻ những thư này cho các bạn không? Anh rất vui khi nhiều người đọc được những lá thư này. Xin nhắc lại, anh lấy rất nhiều tư tưởng của Clive Staples Lewis từ sách: The Screwtape Letters. Xin thứ lỗi vì anh không trích nguồn cho em, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến tâm tình của một lá thư.
Chờ thư tiếp của anh nhé!
Thân thương trong Đức Kitô,
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Nguồn: hdgmvietnam.com
Có thể bạn quan tâm
Truyền Hình Trực Tiếp Thánh Lễ An Táng Đức Thánh Cha Phanxicô Ngày..
Th4
Chạm Sâu Tới Lòng Thương Xót Của Chúa (Suy Niệm Tin Mừng Chúa..
Th4
Phái Đoàn Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Kính Viếng Đức Thánh Cha..
Th4
Đài Rai Của Ý: Hơn 170 Phái Đoàn Nguyên Thủ Quốc Gia Và..
Th4
Phiên Họp Thứ 3 Của Hồng Y Đoàn; 50 Nguyên Thủ Và 10..
Th4
Video: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Và Tổng Giáo Phận Huế Tưởng..
Th4
Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng Tri Ân Đức..
Th4
Một Khoảng Khuyết Mang Dáng Hình Mục Tử
Th4
Trực Tiếp Nghi Thức Làm Phép Tòa Tổng Giám Mục Và Trung Tâm..
Th4
Lời Cảm Ơn Từ Khắp Nơi Trên Thế Giới
Th4
12 câu nói then chốt định hình 12 năm triều đại giáo hoàng..
Th4
Mạng Lưới Cầu Nguyện Toàn Cầu Của Đức Giáo Hoàng Tại Việt Nam:..
Th4
Hội Nghị Thường Niên Kỳ I/2025: Ngày 23 Tháng 4
Th4
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Nhà Truyền Giáo Của Thời Đại” – Tóm Tắt..
Th4
Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Thông Báo Cử Hành Thánh..
Th4
Hội Nghị Thường Niên Kỳ I/2025: Ngày 22 Tháng 4
Th4
Thánh lễ an táng Đức Thánh Cha sẽ được cử hành vào thứ..
Th4
Hội Đồng Giám Mục Khai Mạc Hội Nghị Thường Niên I/2025 Và Cầu..
Th4
Thông cáo triệu tập Hồng Y Đoàn chuẩn bị Mật Viện
Th4
Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời do đột quỵ não và suy tim..
Th4